0388724758
Tiếng Việt (VND)
Sau 15 năm từ khi Việt Nam có được dự án công nghệ cao tỷ USD đầu tiên, viễn cảnh về sự cất cánh của nền cộng nghiệp trong nước cùng các nhà đầu tư "đại bàng" vẫn chưa thành.
Hiện nay, cứ ba máy tính đang hoạt động tại bất kỳ văn phòng làm việc nào trên thế giới, ta có thể tìm thấy ít nhất một chiếc có "bộ não" - CPU, được xuất xưởng từ TP HCM. Đây là kết quả sau hơn 17 năm đầu tư của Intel - tập đoàn công nghệ cao đầu tiên trên thế giới, chọn Việt Nam cho một dự án tỷ USD.
Nhà sản xuất chip Mỹ chiếm khoảng 70% thị phần CPU máy tính toàn cầu. Còn nhà máy tại Khu công nghệ cao TP HCM (SHTP) đang lắp ráp, kiểm định và đóng gói hơn một nửa tổng số chip của Intel.
Ông Phạm Chánh Trực, nguyên Phó bí thư Thành uỷ TP HCM, Trưởng Ban quản lý đầu tiên của SHTP, nhìn nhận: "Mời gọi được Intel là cột mốc quan trọng trong quá trình thu hút đầu tư FDI". Ông Trực đóng vai trò chủ chốt trong cuộc đàm phán kéo dài hơn hai năm đưa tập đoàn bán dẫn Mỹ vào Việt Nam.
Sau Intel, nhiều thương hiệu công nghệ toàn cầu như Samsung, LG cũng thiết lập các nhà máy tỷ USD tại Việt Nam, cùng với một loạt đơn vị lắp ráp của Dell, Apple. Từ áo quần, giày dép, cụm từ "made in Việt Nam" bắt đầu xuất hiện trên TV, smartphone, đồng hồ thông minh, chip bán dẫn tiêu thụ trên toàn cầu.
Thiết bị điện, điện tử ngày nay trở thành mặt hàng quan trọng nhất, chiếm gần một nửa tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam với kim ngạch 155 tỷ USD, tăng 5 lần sau 10 năm. Việt Nam lọt vào top 10 quốc gia cung cấp thiết bị điện, điện tử lớn nhất cho thế giới. Nhưng hàng tỷ USD đầu tư của các tập đoàn này cho Việt Nam một hình ảnh mới trên bản đồ thương mại chứ chưa thể kéo nền kinh tế lên nấc thang giá trị cao hơn.
Theo kết luận về ngành điện tử trong Sách trắng công nghiệp đầu tiên và duy nhất đến lúc này, được Bộ Công Thương công bố năm 2019, "Việt Nam vẫn chuyên lắp ráp các bộ phận, gia công đơn giản, còn các hợp phần và thiết bị chuyên ngành chưa đạt được tiến bộ nào".
Đó không phải là kết quả mà những người khởi tạo nền móng thu hút các nhà đầu tư công nghệ như ông Trực hướng đến.
"Khu công nghệ cao hay bất kỳ nhà đầu tư nào chỉ là hạt nhân ban đầu. Cái đích cuối cùng phải là hiệu ứng lan tỏa ra bên ngoài để công nghiệp của chính chúng ta phát triển", ông nói.
Sau đổi mới, TP HCM là nơi thành lập khu chế xuất đầu tiên của cả nước - Tân Thuận, đặt ở phía nam Sài Gòn năm 1991. Đây là mô hình được học hỏi từ Đài Loan, tận dụng ưu đãi thuế, hải quan để thu hút doanh nghiệp nước ngoài đặt nhà máy chế biến, xuất khẩu. Những nhà đầu tư đầu tiên đến với Tân Thuận hầu hết liên quan lĩnh vực dệt may, da giày - ngành sản xuất đại diện cho buổi đầu công nghiệp hoá.
Nhưng lãnh đạo thành phố và Trung ương đều nhận thấy đã hội nhập muộn thì phải tìm hướng phát triển nhanh, không thể loanh quanh các ngành truyền thống.
"Phải nâng tầm khu chế xuất để tiếp cận những công nghệ tiên tiến của thế giới", ông Phạm Chánh Trực (khi đó giữ chức Phó chủ tịch UBND TP, phụ trách kinh tế đối ngoại) nhớ lại kết luận trong một cuộc họp giữa lãnh đạo TP HCM với Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư Đậu Ngọc Xuân.
Đó là tiền đề cho SHTP. Ông Trực cũng chính là người phụ trách tổ nghiên cứu hiện thực hóa ý tưởng này vào năm 1992. Mất 10 năm, SHTP mới chính thức được thành lập, trở thành khu công nghệ cao đầu tiên của cả nước vào 2002.
Thời điểm đó, ông Trực ở tuổi 62, đang là Phó Ban Kinh tế Trung ương và chuẩn bị nghỉ hưu. Nhưng khi được lãnh đạo Thành uỷ đề nghị làm Trưởng ban quản lý SHTP, ông lập tức đồng ý, tạm gác lại kế hoạch nghỉ ngơi.
"Vị trí này chỉ tương đương giám đốc sở, nhưng tôi không so đo chức vụ mà nhận ngay vì muốn hoàn thành dự án còn dang dở", ông kể.
Ông Trực bàn với ông Xuân, nếu SHTP mời gọi được một nhà đầu tư trong danh sách 500 công ty lớn nhất của Mỹ (Fortune 500) sẽ là cú hích lớn cho TP HCM và cả nước.
Cái tên đầu tiên được nhắm đến là HP, bởi người phụ trách mở rộng hoạt động sản xuất của hãng máy tính Mỹ khi đó là Việt kiều - một lợi thế cho thành phố. Tuy nhiên, người này qua đời đột ngột khiến kế hoạch đưa HP đầu tư vào SHTP cũng dang dở.
Sau khi tiếp xúc thêm một số công ty, thành phố đặt quyết tâm thu hút Intel khi biết tập đoàn sản xuất chip lớn nhất của Mỹ đang tìm địa điểm xây dựng nhà máy lắp ráp, kiểm định mới ở châu Á. Việt Nam nằm trong danh sách lựa chọn.
Năm 2003, Phó thủ tướng Vũ Khoan dẫn đầu đoàn Việt Nam đến tổng hành dinh của Intel ở Mỹ, mang theo thư của Thủ tướng Phan Văn Khải mời tập đoàn này đầu tư, giới thiệu hai địa điểm gồm Khu công nghệ cao Hoà Lạc (Hà Nội) và SHTP.
Hai năm tiếp theo, Intel chia nhiều đoàn đến TP HCM tìm hiểu điều kiện cơ sở hạ tầng, logistics, giao thông, nguồn nhân lực, chính sách ưu đãi.
"Thành phố chưa từng gặp nhà đầu tư nào đặt ra nhiều điều kiện chi tiết, chặt chẽ như Intel", ông Trực nói. Các cuộc đàm phán vì thế "phải giải quyết nhiều yêu cầu chưa có tiền lệ", lại có lãnh đạo hãng cùng phát biểu từ Mỹ nên có buổi họp đến khuya mới kết thúc.
Một lần thảo luận về giá điện, ông Trực gọi điện trực tiếp xin ý kiến Chính phủ qua Phó thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng - người phụ trách chỉ đạo đàm phán thời điểm đó. Được "bật đèn xanh", ông thống nhất luôn điều khoản ưu đãi với Intel.
"Nếu không phá lệ mà gửi văn bản cho EVN, các bộ xin ý kiến rồi đợi Chính phủ kết luận theo quy trình, không biết chừng nào tôi mới trả lời người ta. Không phải yêu cầu nào, thành phố cũng đáp ứng được ngay, nhưng sự cam kết của mình khiến họ thấy tin cậy", nguyên Trưởng ban SHTP nói.
Nhân chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Phan Văn Khải năm 2005, đoàn đàm phán còn đến trụ sở Intel ở California để thảo luận trực tiếp với những người đứng đầu tập đoàn. Nhưng khi đến nơi, ông Trực nhận tin Chủ tịch Intel lại đang ở Washington D.C.
"Chúng tôi thấy thế liền bay ngay đến thủ đô Mỹ, mời ông chủ tịch đến đại sứ quán Việt Nam trao đổi", ông Trực nói.
Chính tại cuộc gặp này, lãnh đạo cao nhất của Intel xác nhận sẽ xây dựng nhà máy 600 triệu USD tại TP HCM, và sau đó nâng mức đầu tư lên một tỷ USD khi nhận giấy phép một năm sau.
Ba năm sau ngày khởi công nhà máy, Intel xuất xưởng những con chip "made in Việt Nam" đầu tiên vào năm 2010. Thời điểm đó, không có công ty trong nước nào đủ khả năng làm đối tác của tập đoàn Mỹ.
Ngày nay, nhà máy đã có hơn 100 doanh nghiệp Việt trong mạng lưới nhà cung cấp, theo ông Kim Huat Ooi, Phó chủ tịch phụ trách Sản xuất, Chuỗi cung ứng và Vận hành kiêm Tổng giám đốc Intel Products Việt Nam.
Tuy nhiên, bước tiến về "lượng" kể trên không song hành với "chất". Sau 13 năm, vẫn chưa có bất kỳ doanh nghiệp Việt nào cung cấp được nguyên vật liệu trực tiếp cho công đoạn lắp ráp, đóng gói chip như lớp nền, tụ, chất tạo dòng, nhựa hàn hay keo dán. Thiết bị, máy móc trong dây chuyền của Intel cũng không.
Sân chơi của các công ty trong nước vẫn nằm bên ngoài dây chuyền sản xuất trực tiếp của tập đoàn bán dẫn. Đó là các đầu vào gián tiếp như băng tải, bàn ghế, đồ gá hay dịch vụ vận tải, nhân sự, bảo vệ.
Tức là, dù Việt Nam là nơi xuất xưởng hơn một nửa số sản phẩm của Intel, nhưng ngành sản xuất trong nước chưa hề cung ứng được bất cứ đầu vào thiết yếu nào cho chip. Các doanh nghiệp nội vẫn chưa thể bay cao cùng "đại bàng".
Samsung là một ví dụ khác cho thấy vị trí của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu. Hơn một nửa số smartphone của thương hiệu này bán ra xuất xưởng từ các nhà máy ở Bắc Ninh và Thái Nguyên.
Hàng năm, tập đoàn Hàn Quốc công khai các nhà cung cấp quan trọng, chiếm 80% giá trị mua hàng của hãng. 26 nhà cung cấp chủ chốt của Samsung đang hoạt động ở Việt Nam, theo danh sách năm ngoái. Trong số đó, 22 công ty của Hàn Quốc, 2 Nhật Bản, 2 Trung Quốc, và 0 doanh nghiệp Việt.
Trong chuỗi giá trị toàn cầu, tỷ lệ liên kết xuôi thể hiện khả năng cung cấp bộ phận đầu vào của một nước cho doanh nghiệp nước khác tạo ra sản phẩm cuối cùng. Ngược lại, liên kết ngược cho thấy sự phụ thuộc vào nguyên vật liệu, linh kiện nhập từ bên ngoài để sản xuất của một quốc gia.
Việt Nam hiện có tỷ lệ liên kết xuôi thấp hơn nhiều nước Đông Nam Á, và đang tiếp tục giảm. Trong khi đó, liên kết ngược lại tăng dần, cho thấy sự phụ thuộc vào việc nhập khẩu để lắp ráp thành phẩm ngày càng lớn.
"Các tập đoàn FDI hầu như khó bám rễ tại Việt Nam khi sợi dây liên kết với nền kinh tế trong nước rất mỏng manh", Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Xúc tiến và Hợp tác đầu tư Việt Nam Nguyễn Đình Nam đánh giá. Vai trò của Việt Nam với doanh nghiệp nước ngoài chủ yếu vẫn là cung cấp nhân công, vốn gắn với định vị giá rẻ.
Đồng quan điểm, TS Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Đầu tư Nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho rằng chính sách thu hút FDI từ lâu đã đặt ra mục tiêu tiếp cận và học hỏi công nghệ lõi từ các nước công nghiệp hàng đầu. Nhưng sau hơn 3 thập niên, mục tiêu chuyển giao công nghệ vẫn chưa đạt hiệu quả, mà nguyên nhân quan trọng chính là sự thiếu liên kết giữa các doanh nghiệp ngoại và nội.
Trong khi đó, chính nhà đầu tư cũng muốn tăng tỷ lệ nội địa hóa để giảm chi phí so với nhập khẩu, theo Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TP HCM Matsumoto Nobuyuki.
Ông Nobuyuki thường xuyên được nhiều tập đoàn Nhật Bản nhờ "mai mối" các doanh nghiệp Việt để có thêm nhà cung cấp trong nước, đặc biệt là những bộ phận quan trọng. "Nhưng rất ít công ty đáp ứng được tiêu chuẩn của doanh nghiệp Nhật Bản", ông nói.
Khoảng 97% doanh nghiệp trong nước có quy mô vừa và nhỏ, hầu hết nguồn vốn lẫn năng lực quản trị hạn chế. Trong khi đó, việc trở thành đối tác cung ứng của các nhà sản xuất tầm cỡ thế giới đòi hỏi đầu tư lớn về công nghệ.
"Rào cản trên khiến các doanh nghiệp Việt hầu hết vẫn đứng bên ngoài chuỗi cung ứng của các tập đoàn công nghệ cao", nhóm chuyên gia của Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright từng chỉ ra trong báo cáo tổng kết đầu tư của Intel tại Việt Nam, công bố năm 2016.
Các tập đoàn lớn khi đầu tư vào Việt Nam vì vậy đều kéo theo mạng lưới nhà cung cấp sẵn có từ nước ngoài, sau đó mới tìm kiếm, hỗ trợ đào tạo doanh nghiệp trong nước tham gia chuỗi cung ứng. Nhưng không phải công ty nào cũng đủ nguồn lực.
Đầu năm nay, khách hàng của CEO Nguyễn Đình Nam - một doanh nghiệp Đức sản xuất thiết bị y tế, thông báo sẽ chọn Indonesia thay vì Việt Nam như dự định ban đầu để xây nhà máy.
"Họ đi từ Bắc tới Nam nhưng không tìm được nhà cung cấp chip, vi mạch cho thiết bị của mình nên đành bỏ cuộc, dù đánh giá chính sách ưu đãi của Việt Nam rất tốt", ông Nam nói.
Khi Intel đồng ý đầu tư 17 năm trước, một số lãnh đạo cấp cao đã đặt vấn đề thuyết phục tập đoàn Mỹ triển khai thêm hoạt động nghiên cứu phát triển (R&D) ở Việt Nam. Nhưng ông Phạm Chánh Trực biết đó là điều gần như không thể. "Không ai dễ dàng đưa công nghệ lõi của mình ra bên ngoài vì sợ bị sao chép", ông nói.
Thực tế chứng minh đến nay, mới có Samsung và LG là hai tập đoàn FDI công nghệ cao mở trung tâm R&D quy mô lớn tại Việt Nam.
Vòng đời của một sản phẩm công nghệ khởi đầu từ R&D, sau đó đến thu mua các bộ phận, lắp ráp hoàn chỉnh rồi phân phối, xây dựng thương hiệu, bán hàng và hậu mãi. Các hoạt động này nằm trên một đường parabol lần lượt từ trái sang phải theo giá trị gia tăng tương ứng.
Đây được gọi là "đường cong nụ cười" - khái niệm do nhà sáng lập hãng máy tính Acer Stan Shih giới thiệu lần đầu năm 1992 để mô tả chuỗi giá trị. Trong đó, lắp ráp nằm ở đáy đường cong - đồng nghĩa với giá trị gia tăng thấp nhất, cũng là công đoạn hầu hết nhà máy của các tập đoàn công nghệ ở Việt Nam đang thực hiện.
Đơn cử với một chiếc smartphone cao cấp của Samsung, khâu lắp ráp, kiểm thử được thực hiện tại Việt Nam chỉ chiếm 5% giá thành sản xuất, theo kết quả do TechInsights, công ty nghiên cứu công nghệ có trụ sở ở Canada, phân tích năm 2020.
"Quốc gia nào cũng muốn đảm nhận những công đoạn giá trị cao, nhưng các tập đoàn đa quốc gia sẽ phân bổ hoạt động phù hợp với năng lực của từng nước", ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, đồng tác giả nghiên cứu về hoạt động Intel tại Việt Nam của Fulbright nhìn nhận.
Với ngành chip, sau khi thiết kế, quá trình sản xuất diễn ra ở hai loại nhà máy là chế tạo (Fab) và lắp ráp, kiểm định, đóng gói (ATM). Intel có 5 nhà máy chế tạo ở Mỹ, Ireland, Israel và 4 nhà máy đóng gói tại Costa Rica, Trung Quốc, Malaysia, và Việt Nam.
Ông Kim Huat Ooi cho biết kế hoạch của tập đoàn là tiếp tục tập trung vào lắp ráp và kiểm định tại cơ sở ở TP HCM. Chiếm sản lượng lớn nhất trong các nhà máy ATM, Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong quá trình sản xuất của hãng.
Dù vậy, Malaysia mới là nơi đầu tiên bên ngoài nước Mỹ được Intel chọn triển khai công nghệ đóng gói chip 3D tiên tiến nhất của mình. Khác Việt Nam, Malaysia có một hệ sinh thái sản xuất bán dẫn hoàn chỉnh với các doanh nghiệp nội địa đảm nhận được tất cả các khâu từ thiết kế, chế tạo đến lắp ráp, kiểm định chip.
Ngoài Malaysia, Singapore cũng có nhà máy chế tạo chip. Hai nước này, cùng với Thái Lan và Philippines, xếp trên Việt Nam về ECI - chỉ số thể hiện khả năng sản xuất sản phẩm phức tạp, do Đại học Harvard tính toán. Dù là một trong các quốc gia tiến bộ nhanh nhất trong 20 năm qua, Việt Nam chỉ xếp thứ 61/133 thế giới về chỉ số này, cao hơn Indonesia, Lào và Campuchia ở Đông Nam Á.
Dù Việt Nam là điểm đến hấp dẫn nhất với các doanh nghiệp Nhật Bản muốn triển khai chiến lược "Trung Quốc + 1" nhằm đa dạng hoá cứ điểm sản xuất bên ngoài quốc gia đông dân nhất thế giới, nhưng vẫn chỉ thu hút công đoạn lắp ráp.
"Nếu muốn bước lên nấc thang cao hơn, Việt Nam nên quên những công việc năng suất thấp, tập trung vào giá trị gia tăng", ông Nobyuki nói.
Khuyến nghị này không mới, nhưng ngày càng cấp thiết khi lợi thế nhân công - lực hấp dẫn chính với các hoạt động lắp ráp, gia công - đang suy giảm cùng với tốc độ già hoá dân số nhanh bậc nhất khu vực. Đỉnh của thời kỳ dân số vàng đã qua, và số lượng lao động của Việt Nam sẽ bắt đầu quay đầu giảm sau 15 năm nữa, theo các mô hình dự báo của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc.
Theo ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, năng suất lao động của người Việt vẫn chậm cải thiện, tụt lại so với các nước ASEAN, còn tiền lương tiếp tục tăng, khiến chi phí nhân công thực tế gắn với năng suất không hề rẻ. "Đầu tư vào con người và khoa học công nghệ để vươn lên trong chuỗi giá trị, vì thế phải là ưu tiên số một", ông nói.
Hơn 30 năm từ ngày phác thảo những ý tưởng đầu tiên của một khu công nghệ cao, ông Phạm Chánh Trực vẫn chưa nhìn thấy một nền sản xuất tiên tiến như mong ước.
"Chúng ta đã có một vài doanh nghiệp công nghệ cao nhưng còn quá ít, phần lớn vẫn lắp ráp. Nếu cứ đi với tốc độ hiện tại, làm sao đạt mục tiêu thành nước giàu", ông Trực băn khoăn.
Cách Tạo File Gerber Để Làm PCB
Dây Cáp Mạng Cat7: Giải Pháp Tối Ưu Cho Kết Nối Mạng Tốc Độ Cao
Hướng dẫn nạp code board Arduino MH-Tiny ATTINY88 Digispark
Vinasemi 948DB+ II Máy Hàn Trạm Điều Chỉnh Nhiệt Độ 75W, 220VAC, 200-480°C
Bột vệ sinh, phục hồi TIP hàn
Chấp nhận thanh toán